Dẫu cho năm tháng qua đi, chưa khi nào ánh đèn trên sân khấu nơi Nhà hát tuồng Khánh Hòa vụt tắt. Ngọn đèn ấy vẫn sáng mãi, vẫn ở đó yên bình giữa nhịp sống đô thị ngày nay, chờ biết bao thế hệ tài hoa tiếp tục xuất hiện nối tiếp truyền thống của cha ông bao đời…
Dân gian vốn có câu rằng, “Thầy đô già, con hát trẻ”. Ấy vậy mà hiện nay, nơi Nhà hát tuồng Khánh Hòa nằm tại số 62 đường Sinh Trung ấy, những người nghệ sĩ lớn tuổi vẫn ngày đêm khắc khoải ngóng trông một thế hệ đủ tài năng và đức hạnh để tiếp nối sự nghiệp đưa nghệ thuật hát tuồng truyền thống đến gần hơn với bao người. Dẫu biết là khó, nhưng vẫn trông, vẫn mong và vẫn hy vọng.
Ngược dòng thời gian trở về với những năm tháng xưa cũ, khi nghệ thuật tuồng vẫn còn là món ăn tinh thần của bao thế hệ người Việt xưa. Vào những tháng ngày huy hoàng ấy, chính sân khấu nơi Nhà hát tuồng Khánh Hòa chính là bệ đỡ đưa biết bao thế hệ đầu bước ra ánh sáng, như nghệ sĩ Bạch Én, Kim Hùng, Thu Hà, Hoàng Minh Tâm, v.v. Ấy vậy mà giờ đây, những cánh chim đầu đàn ấy cũng dần thấm mệt, thế nhưng họ vẫn cố gắng để chưa một lần, ánh đèn trên sân khấu quen thuộc năm xưa vụt tắt.
Trong những năm tháng qua, tuồng đã trở thành một trong những sản phẩm của ngành du lịch Nha Trang, góp phần đưa thành phố biển xinh đẹp này trở thành điểm đến thu hút và hấp dẫn hơn trong mắt mọi người. Để rồi giờ đây khi nhắc về Nha Trang, người ta không chỉ nhắc đến những bãi biển trong veo cùng bãi cát trắng mịn trải dài hay những điểm tham quan tại Nha Trang thú vị. Họ không chỉ nhắc đến thành phố biển như là nơi sở hữu vô số những món ngon Nha Trang khiến thực khách mãi thương nhớ, không chỉ nói đến nào Skylight Nha Trang với ánh đèn rực rỡ hay con đường Trần Phú Nha Trang luôn sôi động bất kể đêm ngày. Mà người ta nhắc về Nha Trang mà ở chính thành phố biển này, tuồng vẫn còn tồn tại, và sống mãi cho đến tận ngày nay.
Xem thêm: Tháp bà Ponagar Nha Trang – Quần thể kiến trúc nổi bật của người Chăm Pa cổ xưa
Sở dĩ tuồng vẫn có chỗ đứng nhất định như thế là vì vùng đất Nam Trung Bộ này vốn là đất bài chòi, là văn hóa vùng miền, và tuồng vẫn còn đó khi Nha Trang vẫn còn vô số những lễ hội. Nói như vậy là bởi vì trong một năm, người dân Nha Trang có vô số các lễ hội liên quan đến biển khơi được tổ chức với nào Lễ hội Cầu Ngư, nào Lễ hội Cá Voi, Lễ hội Am Chúa, Lễ hội Yến Sào Nha Trang – Khánh Hòa. Ngày nào lễ hội còn, ngày ấy tuồng vẫn sẽ sống mãi, bởi vì tuồng lớn lên từ lễ hội và trở về với lễ hội.
May mắn thay, tưởng chừng như bộ môn nghệ thuật truyền thống này sẽ dần bị mai một theo năm tháng hoặc vấp phải sự cạnh tranh cực khốc liệt với biết bao nền văn hóa hiện đại du nhập vào, thì vào mỗi tối thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần, sân khấu nơi Nhà hát tuồng Khánh Hòa vẫn sáng đèn, và phía dưới sân khấu, mọi người vẫn nồng nhiệt cổ vũ và chăm chú dõi theo.
Và ngày hôm nay, với hy vọng mang bộ môn nghệ thuật này đến gần hơn với mọi người, Nhà hát tuồng Khánh Hòa đã mang sân khấu tuồng ra hè, để giúp mọi người hiểu ra rằng thế giới nghệ thuật truyền thống là không hề bó buộc trong bất kì khuôn khổ nào. Và người nghệ sĩ dẫu ở đâu đi nữa thì nơi nào có khán giả, thì nơi đó chính là sân khấu của họ. Họ vẫn ở đó để tỏa sáng, để biểu diễn cho thỏa nỗi đam mê và để mang tuồng đến gần hơn với mọi người với hy vọng bộ môn nghệ thuật này sẽ mãi luôn song hành cùng bao thăng trầm của thành phố biển Nha Trang xinh đẹp dẫu năm tháng thoi đưa.
Ánh đèn sân khấu nơi Nhà hát tuồng Khánh Hòa vẫn sáng như thế chưa một ngày vụt tắt. Những người nghệ sĩ vẫn ở đó, vẫn khắc khoải tìm kiếm những thế hệ tiếp nối để đưa nghiệp tuồng đến gần hơn với mọi người, để ai ai đến Nha Trang cũng luôn có gì đó mà nhớ mãi…